Mẹo vặt cuộc sống
Con dâu chắc chắn sẽ bị mẹ chồng chê nếu lỡ tay xào giá đỗ hơi chín. Nhưng các bác sĩ dinh dưỡng lại khuyên rằng, nên xào chín giá trước khi ăn. Nếu không, các chất độc trong thực phẩm này sẽ gây buồn nôn, đi ngoài, chóng mặt...
Sau đây là những ngộ nhận thường gặp khác khi sử dụng rau quả:
Dùng cà chua trước bữa cơm
Cà chua rất giàu vitamin A và C nên được phụ nữ dùng nhiều để nấu nướng, ăn sống, xay sinh tố, đắp mặt nạ... Tuy vậy, bạn không nên ăn cà chua trước bữa cơm vì sẽ làm tăng chất chua cho dạ dày, dẫn đến nóng ruột, đau bụng. Nên dùng sau khi ăn.
Cà chua hay được dùng chung với dưa chuột trong món salad. Sự kết hợp này cũng không có lợi về mặt dinh dưỡng, vì dưa chuột chứa chất dung môi, có thể phân giải và phá hủy vitamin C trong cà chua.
Cà chua cũng chứa một số thành phần phản ứng với axit dạ dày, gây đầy bụng, khó tiêu. Vì vậy, không nên ăn vào lúc đói.
Uống sinh tố cà rốt gần với thời gian uống rượu
Các nhà khoa học Mỹ chuyên nghiên cứu về thực phẩm phát hiện rằng, nếu vừa uống nước cà rốt có hàm lượng caroten cao rồi lại uống rượu thì trong gan sẽ sản sinh chất độc gây bệnh gan.
Vì vậy, các chuyên gia khuyên chúng ta không nên uống nước cà rốt trước và sau khi uống rượu.
Không chần mướp đắng trước khi xào
Trong mướp đắng có chất axit oxalic, ảnh hưởng đến việc hấp thu canxi trong thức ăn. Nếu xào mướp đắng mà không chần qua nước sôi, bạn đã vô tình để cho axit oxalic có chỗ trú ngụ trong thức ăn của mình.
Ăn vải khi đang đói
Việc ăn nhiều vải thiều khi đang đói có thể khiến thành phần đường cao thâm nhập quá nhanh và nhiều vào cơ thể, gây say, thậm chí hôn mê.
Ăn chuối tiêu khi đói
Chuối tiêu chứa nhiều magiê. Nếu bạn ăn loại quả này khi đang đói thì cơ thể sẽ bị phá hủy cân bằng magiê - canxi trong máu, từ đó ảnh hưởng xấu tới tim mạch.
Không luộc măng trước khi chế biến
Nhiều người nghĩ măng mua ở chợ đã được luộc rồi nên về nhà chỉ cần chế biến là xong. Thực ra lúc này trong măng còn chứa nhiều chất độc glucozit. Nó sẽ sinh ra axit cyanhydric khi gặp men tiêu hóa trong dạ dày, gây ngộ độc, nôn mửa giống như ngộ độc sắn. Vì vậy, cần luộc kỹ măng để glucozit hòa tan trong nước và bay hơi theo nước sôi.